Bỏ án tử hình trong luật hình sự Việt Nam – Nên hay không?

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia còn duy trì án tử hình trong luật hình sự. Tranh cãi có nên bỏ án tử hình hay không tại nước ta vẫn chưa có hồi kết khi mỗi bên đều có lập luận riêng. Tuy nhiên không thể phủ nhận việc thu hẹp phạm vi và dần xóa bỏ án tử hình là xu hướng chung của nhân loại.

Án tử hình là gì?

Án tử hình là hình phạt cao nhất áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng như: Tội giết người, Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tội khủng bố, Tội chống loài người,… Thi hành án tử hình là việc “tước bỏ quyền sống của người bị kết án tử hình”.

bỏ án tử hình
Án tử hình nhằm tước bỏ quyền sống của người phạm tội

Hình phạt tử hình không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn có tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Người bị kết án tử hình sẽ bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi xã hội và không có cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng. Điều này giúp phòng ngừa việc tái phạm một cách triệt để.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã xóa bỏ án tử hình

Tranh cãi có nên xóa bỏ án tử hình trong luật hình sự hay không đã xuất hiện từ nhiều năm qua trên toàn thế giới. Dễ dàng nhận thấy càng ngày càng có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ loại bỏ hình phạt này ra khỏi bộ luật. Ngoài ra, xu hướng giảm thiểu án tử hình bằng cách giảm số lượng các loại tội phạm có khung hình phạt cao nhất là tử hình đang được nhiều quốc gia áp dụng. Các nước này đa số thuộc Liên minh Châu Âu như: Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, … Tính đến tháng 7 năm 2018, tình hình áp dụng án tử hình trên thế giới được thống kê như sau:

  • Nhóm quốc gia duy trì án tử hình: 55 quốc gia, tương đương 28%
  • Nhóm quốc gia duy trì án tử hình nhưng chưa ghi nhận vụ xử tử nào trong 10 năm gần nhất: 28 quốc gia, tương đương 14%.
  • Nhóm quốc gia duy trì án tử hình nhưng chưa ghi nhận vụ xử tử nào trong 14 năm gần nhất: 8 quốc gia, tương đương 4%.
  • Nhóm quốc gia xóa bỏ án tử hình: 104 quốc gia, tương đương 54%

Thống kê cũng cho thấy hầu hết các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á vẫn giữ hình phạt tử hình. Thậm chí một số quốc gia có xu hướng áp dụng hình phạt này thường xuyên, điển hình là Trung Quốc. Một số quốc gia khác có thể kể đến như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Cuba, Thái Lan, Iran,…

Đã đến lúc Việt Nam cần bỏ án tử hình trong luật hình sự?

Việt Nam có nên xóa bỏ án tử hình hay không là chủ đề được bàn tán rất nhiều trong thời gian qua. Hiện nay, án tử hình vẫn được quy định trong luật hình sự nước ta, tuy nhiên đã có sự thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này trên các loại tội phạm. Nếu như Bộ luật hình sự 1985 có đến 29 điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình (chiếm 14,89%) thì Bộ luật hiện hành chỉ còn 18 tội phạm áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài ra, hình phạt tử hình sẽ không được áp dụng đối với các nhóm đối tượng như: Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người dưới 18 tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Bản án tử hình phần nào thể hiện sự bất lực của luật pháp cũng như của toàn xã hội trong việc phòng ngừa tội phạm. Vì vậy, loại bỏ dần và tiến tới loại bỏ hoàn toàn án tử hình trong luật hình sự là điều cần thiết. 

Có 04 lý do chính để bỏ án tử hình như sau:

Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo

Nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc quan trọng trong pháp luật hình sự của nước ta. Cá nhân từ khi sinh ra và lớn lên sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, xã hội,… Vì vậy đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào, chúng ta cũng cần xét đến các tác động dẫn đến hành vi đó. Hay nói cách khác, chúng ta không nên dồn hết trách nhiệm vào một cá nhân và tuyên án tử cho họ.

Hơn nữa quyền sống là quyền cơ bản, thiêng liêng của mỗi người. Tuy nhiên bản án tử hình đã tước đoạt đi quyền này. Do đó, án tử hình đi ngược với quy luật tự nhiên, xâm phạm quyền cơ bản của con người.

Tránh tử hình oan

Oan sai là không thể tránh khỏi trong hoạt động tố tụng ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Không có sự bồi thường nào là đủ đối với các bản án oan. Đặc biệt với án tử hình thì hệ quả để lại là rất lớn. Thêm vào đó số lượng án oan sai tại nước ta không phải là ít. 

Chi phí thi hành án tử hình cao

Hình thức tử hình đang được áp dụng tại nước ta hiện nay là tiêm thuốc độc. Chi phí để tử hình một người là từ 600 – 900 triệu đồng. Vì vậy, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi một khoản không nhỏ để thực thi án tử. Điều này là khá lãng phí bởi các vấn đề phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh cho người dân mới là cần thiết hơn cả.

Phù hợp với luật pháp quốc tế

Như đã đề cập, xu hướng bỏ án tử hình đang diễn ra trên khắp thế giới. Nếu như trước đây, án tử hình có mặt tại hầu hết các quốc gia thì hiện nay, chỉ có khoảng 30% trên tổng số các quốc gia còn duy trì bản án này. Có thể nói việc bỏ án tử hình là quy luật khách quan, phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published.