Argentina vô địch World Cup cùng câu chuyện “bánh mì và rạp xiếc”

Xuất sắc vượt qua Pháp ở trận chung kết, Argentina chính thức trở thành nhà vô địch World Cup 2022. Ngoài niềm vui thắng trận thì đây còn là liều thuốc kịp thời giúp người dân phần nào quên đi cơn bão lạm phát đang diễn ra trên đất nước.

Argentina vô địch World Cup – Liều thuốc xoa dịu nỗi lo lạm phát

Trong lúc Messi nâng cao chiếc Cúp vô địch thế giới lần thứ 3 cho Argentina, lạm phát tại nước này đã gần chạm mốc 3 con số. 

Ngày mai, khi dân chúng đổ ra đường hò reo ăn mừng, chắc chắn lạm phát sẽ không dừng lại.


Chiếc Cúp vô địch sẽ giúp người dân tạm quên nỗi lo kinh tế

Khi người dân Argentina cần một thứ gì đó để tạm quên đi khó khăn, và chiếc Cúp đã đến. Chức vô địch này tuy không thể giải quyết được bài toán kinh tế, nhưng nó là liều thuốc giúp xoa dịu nỗi đau ở hiện tại. Cơn say chiến thắng sẽ kéo dài trong vài ngày tới, tiếng reo hò sẽ lấn át đi tiếng kêu của những chiếc bụng đói trên các khu ổ chuột tại Buenos Aires. Điều đó cũng có nghĩa là áp lực dành cho Chính phủ tại nước này sẽ giảm đi trong thời gian tới, ít nhất thì nỗi lo bạo loạn sẽ bớt đi. Có lẽ những nhà lãnh đạo đất nước rất biết ơn Chúa vì Ngài đã hun đúc tình yêu bóng đá nơi mỗi người dân Argentina. Và rằng khi người dân sẵn sàng bán nhà để đi coi một trận bóng thì người lãnh đạo có thể phần nào an tâm trên chiếc ghế của mình.

Nghệ thuật cai trị “Bánh mì và rạp xiếc”

“Hãy phát cho chúng bánh mì và xây cho chúng những rạp xiếc. Chúng sẽ quên đi mọi sự bất công” 

Đây là chính sách cai trị đã được Julius Caesar áp dụng từ thời Cộng hòa La Mã. Đứng trước bối cảnh làn sóng bất bình diễn ra trên đất nước và các cuộc nổi loạn chỉ chực chờ nổi dậy thì chính sách này là giải pháp hữu hiệu nhất. Ở đây, ta cần hiểu bánh mì là hình ảnh ẩn dụ về cái bụng no, không sung túc nhưng cũng không đến mức đói. Còn rạp xiếc là các trường đua ngựa và đấu trường – nơi giải trí dành cho dân chúng thời bấy giờ.


Nghệ thuật cai trị “bánh mì và rạp xiếc”

Đảm bảo nguồn cung bánh mì và gánh xiếc là cách để nhà cầm quyền ngăn chặn sự bất mãn của người dân, từ đó hạn chế các cuộc cách mạng. Thay vì đấu tranh cho quyền lợi của mình, họ sẽ ăn bánh mì và thưởng thức các cuộc đua trong sự hài lòng ở mức tạm ổn. Hay nói cách khác, mục đích của chính sách này là giúp đánh lạc hướng người dân khỏi các vấn đề mà lẽ nhà cầm quyền phải đảm bảo cho họ.

Khi nhắc đến “bánh mì và rạp xiếc”, phần lớn sẽ nghĩ rằng đây là chính sách có xu hướng kiểm soát và quản chế hơn là vì nhân dân. Tuy nhiên công bằng mà nói thì chính sách cai trị này mang đến vài mặt tích cực cho đất nước. Bất kỳ một xã hội nào cũng cần giải trí thay vì cứ chăm chăm vào các vấn đề chính trị đau đầu. Khi sự bất mãn ngày càng dâng cao, mọi thứ sẽ trở nên mất kiểm soát và tình trạng có thể sẽ tồi tệ hơn bao giờ hết. Lúc đó, ngay cả nhu cầu tối thiểu nhất là bánh mì và rạp xiếc cũng trở nên xa xỉ. 

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật cai trị “bánh mì và rạp xiếc” được duy trì cho đến ngày hôm nay. Khi bàn về chính sách này, thiết nghĩ chúng ta không nên vội kết luận là đúng hay sai, trắng hay đen một cách rõ ràng. Bởi hiệu quả và hệ quả mà nó đem lại phải được xem xét trong từng bối cảnh cụ thể, khi quyền lợi và mong muốn của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Xem thêm: Luật La Mã quy định về Tài sản và Chiếm hữu