Tro tàn rực rỡ gây ám ảnh với hình ảnh đám cháy bùng lên dữ dội trong đêm tối. Đây là phim điện ảnh Việt hiếm hoi nhận được phản hồi tích cực từ khán giả sau khi ra rạp. Chi tiết nhân vật Tam tự đốt nhà mình vừa là điểm thắt của phim, vừa là tình huống pháp lý mà chúng ta cần tìm hiểu.
Tro tàn rực rỡ – Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt 2022
Phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn, dựa trên 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”. Tác phẩm vừa ra rạp vào những ngày đầu tháng 12 và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả cũng như các nhà phê bình. Trong bối cảnh khá ảm đạm của nền điện ảnh Việt 2022 với nhiều phim “thảm họa” thì Tro tàn rực rỡ là điểm sáng hiếm hoi, giúp níu lại niềm tin của khán giả về phim Việt.
Thành công lớn nhất của Tro tàn rực rỡ chính là phim đã chuyển tải được màu sắc văn chương của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh. Xứ Thơm Rơm hiện lên một cách bình dị với những con người hiền hòa, cuộc sống của họ gắn liền cùng sông nước. Phim giữ nhịp độ trung bình và rất ít thoại, thay vào đó đạo diễn rất chú trọng việc kể chuyện thông qua hình ảnh. Kể cả khi bạn chưa từng đọc qua 2 tác phẩm gốc, bạn cũng có thể hiểu được nội dung phim mà ngôn ngữ điện ảnh mang lại.
Về nhân vật, Tro tàn rực rỡ khắc họa hình ảnh những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con. Đây là những đức tính gắn liền với phụ nữ truyền thống và được ca ngợi bao đời nay. Tuy nhiên, cũng chính các đức tính này khiến cuộc đời của họ chìm sâu trong bi kịch và nước mắt. Những người phụ nữ như Nhàn, Hậu đều rất đảm đang, mạnh mẽ và tháo vát. Họ có thể vừa quán xuyến việc nhà, vừa làm kinh tế để kiếm thu nhập cho gia đình. Quyết định gắn bó với người chồng của mình đồng nghĩa việc họ chấp nhận chịu đau khổ vì chữ “Tình”, chữ “Nghĩa”. Đặc biệt là với Nhàn, mặc cảm “vì chị mà anh ấy mới như thế” (Nhàn không trông chừng con cẩn thận khiến bé bị chết đuối nên Tam – chồng Nhàn bị sang chấn tâm lý) khiến cô cam tâm tình nguyện ở cạnh người chồng có thú vui đốt nhà. Đây là cách suy nghĩ thường thấy ở những người phụ nữ nông thôn khiến ta vừa giận, vừa thương cho cuộc đời của họ.
Tự đốt nhà của mình có vi phạm pháp luật không?
Hình ảnh gây ám ảnh nhất của Tro tàn rực rỡ và cũng được thể hiện trong Poster phim chính là cảnh cháy nhà. Đám cháy này cho chính Tam gây ra để giải tỏa cảm xúc của mình. Sau cái chết của con gái, anh trở thành con người khác hẳn hoàn toàn. Hành hạ bản thân là chưa đủ, phải đến khi nhìn đám cháy, anh mới cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào.
Tạm gác các yếu tố về tâm lý, tình cảm sang một bên. Câu hỏi pháp lý mà chúng ta đặt ra trong trường hợp này chính là: Tự đốt nhà của mình thì có vi phạm pháp luật hay không?
Theo pháp luật hiện hành, không có quy định về việc xử lý hành vi hủy hoại tài sản của chính mình. Điều này phù hợp với quyền sở hữu tài sản, bao gồm quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt trong pháp luật dân sự Việt Nam.
Tuy nhiên cần lưu ý xác định đâu là tài sản riêng của mình và đâu là tài sản chung với người khác. Chẳng hạn trong trường hợp ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng, thì việc chồng tự ý đốt nhà đồng nghĩa với việc hủy hoại tài sản của người khác. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự hiện hành với các mức phạt là phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù.
Ngoài ra nếu hành vi tự đốt nhà gây mất trật tự công cộng thì tùy theo tính chất và hành vi vi phạm mà bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến 500.000 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng. Trường hợp đốt nhà gây ảnh hưởng đến người khác (chẳng hạn như dẫn đến cháy lây lan sang nhà hàng xóm) thì hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.